Danh tính và thân thế Trưng_Trắc

Tài liệu sử học đầu tiên được cho là đã ghi nhận danh tính bà lại là sách Hậu Hán thư của Phạm Diệp, được viết vào khoảng năm 432 đến 445. Theo đó, nội dung được cho là ghi nhận tên bà là Trưng Trắc (徵側) và em gái là Trưng Nhị được viết như sau:[2]

Năm [Kiến Vũ] thứ 16, người con gái Giao Chỉ là Trưng Trắc và em gái Trưng Nhị làm phản, tấn công quận thành.[3]

Một tài liệu cổ sử khác của Trung Quốc là Thủy kinh chú do Lịch Đạo Nguyên viết vào khoảng năm 515 đến 524, dẫn theo một tài liệu khác là "Giao Châu ngoại vực ký", cũng chép tên bà là Trung Trắc. Sách này cũng cho biết thêm bà là con gái của Lạc tướng Mê Linh và có chồng là con trai của Lạc tướng Chu Diên.Tài liệu chính sử Việt Nam đầu tiên là Đại Việt sử ký toàn thư chép bà vốn họ Lạc, là dòng dõi Lạc tướng ở Mê Linh, là vợ của Thi Sách,[4] dòng dõi Lạc tướng ở Chu Diên.[5]. Thông tin này có lẽ được ghi theo Hậu Hán thư, bản đã được Thái tử Lý Hiền bổ sung.

Tuy nhiên, theo các sử gia hiện đại, thời đầu công nguyên, người Việt chưa có họ. Còn tên của hai Bà, có nguồn gốc từ nghề dệt lụa truyền thống của Việt Nam, tương tự như cách đặt tên theo các loài cá của các vua nhà Trần sau này vốn xuất thân từ nghề chài lưới. Xưa kia nuôi tằm, tổ kén tốt gọi là kén chắc, tổ kén kém hơn gọi là kén nhì; trứng ngài tốt gọi là trứng chắc, trứng ngài kém hơn gọi là trứng nhì. Do đó, theo Nguyễn Khắc Thuần, tên hai bà vốn rất giản dị là Trứng Chắc và Trứng Nhì, phiên theo tiếng Hán gọi là Trưng Trắc và Trưng Nhị[6][7]. Khi chữ Hán chưa được truyền bá hoặc chưa có điều kiện thấm sâu vào nhận thức xã hội thì xu hướng đặt tên người rất giản dị và mộc mạc, thể hiện sự gắn bó với cuộc sống đời thường và xu hướng này còn tiếp tục trong các thế hệ sau[7]. Sau này các sử gia phương Bắc viết chệch tên hai bà thành Trắc và Nhị với nghĩa “phản trắc” và “nhị tâm”[8].